tháng 1 14, 2018
0

Với một khuôn mặt bị vết thương làm biến dạng băng bó kín mít, kẻ trốn truy nã nghĩ chẳng ai nhận ra được mình song không ngờ cảnh sát lại cải trang thành bác sĩ tới thăm khám.
Trần Văn Nhị sinh ra trong gia đình thuần nông, đông anh em ở xã Điện Nam Đông, Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Từ nhỏ Nhị đã tỏ ra ngỗ ngược, bỏ học từ năm 10 tuổi, lang thang trộm cắp tài sản. Với tâm lý biết mình còn nhỏ chưa bị xử lý theo pháp luật hình sự nên dù gia đình, chính quyền địa phương nhiều lần khuyên răn, Nhị vẫn chứng nào tật nấy mà càng tỏ ra hung tợn, côn đồ hơn.
15 tuổi Nhị đã lăm lăm mã tấu gây thương tích cho một số người, biệt danh Nhị “Máy Chém” xuất hiện từ đó. Với thói ngông cuồng, coi thường pháp luật, Nhị bị đưa  đi cải tạo ở trường giáo dưỡng 4 năm, rồi thụ án 2 năm tù do trộm cắp tài sản. Trở về địa phương, Nhị quy tụ đàn em hình thành băng nhóm chuyên dằn mặt đòi nợ thuê, cướp bóc.
Để “lấy số” cho bản thân và thị uy sức mạnh, Nhị “Máy Chém” còn trang bị cả vũ khí nóng và sẵn sàng đâm chém nếu có mâu thuẫn hoặc ai gây sự với mình. Tham vọng trở thành “đại ca”, Nhị xăm trổ nhiều hình kỳ quái lên người, sau lưng xăm hình một con cá chép đầu rồng và tự phong mình là “Thập nhất A ca”.
Trần Văn Nhị với hình xăm đầu rồng trên lưng.

Ngày 26.4.2008, Nhị cùng đồng bọn đi uống rượu tại khu vực giáp ranh giữa huyện Điện Bàn và thành phố Hội An. Thấy Nhị và đồng bọn mang theo đao kiếm vào quán, anh Thái Bá Thanh Vương (27 tuổi) cùng bạn bè đang ngồi liền đứng lên đi về. Cho rằng nhóm anh Vương khinh mình, nhóm Nhị đuổi theo và dùng mã tấu chém liên tiếp vào người anh Vương.

Bất chấp việc đang bị truy nã, đêm 20.5.2008 Nhị mò về địa phương chém trọng thương một người có mâu thuẫn trước đó. Khi nạn nhân được một người lạ đưa đi cấp cứu, hắn truy đuổi và tiếp tục chém.
Bị kết án 5 năm tù về tội Cố ý gây thương tích, đầu 2013 ra tù trở về địa phương, Nhị càng tỏ ra côn đồ, lì lợm hơn trước. Để tăng thêm “sức mạnh”, Nhị liên kết với một giang hồ có tiếng ở xã Điện Ngọc là Huỳnh Luận (27 tuổi) để “làm ăn”.
Bằng mọi thủ đoạn, Nhị và Luận đi đòi nợ thuê và thu tiền bảo kê hàng loạt các nhà hàng, khách sạn, quán bar. Thu nạp thêm nhiều đàn em, Nhị tổ chức đánh bạc, tụ tập rượu chè, cướp, trấn lột tài sản…
Đêm 27.7.2013, khi bị tổ tuần tra cảnh sát 113 yêu cầu dừng xe kiểm tra do không đội mũ bảo hiểm phóng nhanh vượt ẩu, một trong hai người vi phạm đã gọi điện thoại “cầu cứu” Nhị. Vài phút sau, Nhị dẫn theo khoảng 20 đàn em đến “bao vây”, lăng mạ, xúc phạm lực lượng làm nhiệm vụ. Nhị rút mã tấu chém một cán bộ công an bị vỡ xương cùi chỏ tay phải, đa chấn thương vùng ngực, mặt và tay chân. Sau khi gây án, được đàn em “che chắn”, Nhị nhanh chóng bỏ trốn khỏi địa phương.
Chuyên án 0813N truy bắt Nhị đã được Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (PC52) Công an tỉnh Quảng Nam xác lập với quyết tâm bắt bằng được trong thời gian sớm nhất.
Trong thời gian này, để che giấu thân phận, Nhị lấy tên là Nguyễn Thanh Phong và tuyệt nhiên không giao tiếp với người lạ, lẩn sâu vào sống trong các vùng núi rừng. Để mưu sinh, Nhị xin đi làm cai vàng cho các chủ bãi rồi hành nghề bảo kê cho lâm tặc, thoắt ẩn thoắt hiện ở Kon Tum, Đà Nẵng, Nghệ An, Quảng Nam, Bình Dương, TP HCM… Nhị luôn mang theo người dao và mã tấu và không lâu sau đó đã tạo được vị thế độc tôn trong giới bảo kê cho lâm tặc.
Sau nhiều tháng ròng lần theo từng thông tin để truy tìm dấu vết, trinh sát đã phát hiện hắn đang lẩn trốn tại huyện Sa Thầy (Kon Tum). Khi tổ công tác tức tốc vào đây thì nhận được thông tin Nhị cùng đàn em bất ngờ đụng độ với băng nhóm bảo kê khác và bị bắn trọng thương, đang cấp cứu tại một bệnh viện huyện Đắk Glei (Kon Tum). Tuy nhiên, sau đó, Nhị không chữa trị tại tỉnh Kon Tum mà di chuyển đến tỉnh Gia Lai.
Cẩn trọng hơn, Nhị không vào bệnh viện đa khoa của địa phương mà lại vào Bệnh viện Quân y 211 với tên giả Nguyễn Thanh Phong. Với một khuôn mặt bị vết thương làm biến dạng được băng bó kín mít, Nhị nghĩ sẽ chẳng ai nhận ra được mình.
Thế nhưng tính toán của Nhị đã không tránh khỏi tầm theo dõi của các trinh sát. Khi tiếp cận bệnh viện, các trinh sát đã “ngụy trang” thành bác sĩ đến thăm khám để tiếp cận và khéo léo kiểm tra người.
Khi nhìn thấy hình xăm rất đặc trưng trên lưng bệnh nhân này, “Thập nhất A ca”, “Máy Chém” Nhị đã bị lộ tung tích.
Quá trình di lý Nhị từ Gia Lai về Quảng Nam để phục vụ điều tra, được các trinh sát bí mật tuyệt đối để đảm bảo sự an toàn. Các anh không chọn con đường quen thuộc để đi mà chọn đường vòng, quanh co, đồi núi xa hơn để đưa nghi can về; sử dụng xe cấp cứu chuyên dụng với bác sĩ đi cùng theo điều trị vết thương cùng với xe của cơ quan điều tra hộ tống đằng sau.
Theo Yan
==========
XEM THÊM : HỒ SƠ MẬT: Các trinh sát đã khống chế bắt Năm Cam thế nào với chỉ một cái bắt tay?
Một chi tiết đặc biệt thú vị, biết băng xã hội đen này mạng lưới chân rết khá nhiều, các lãnh đạo chủ chốt trong ban chuyên án khi cần trao đổi, bàn bạc đều gặp mặt trực tiếp. Nếu không có điều kiện cũng hạn chế trao đổi qua điện thoại mà dùng thư viết tay, chứ không đánh máy, để đảm bảo bí mật tuyệt đối.
Bí mật được đặt lên hàng đầu.
– Trong loạt bài phóng sự về chiến công của lực lượng công an truy quét trùm xã hội đen Năm Cam và đồng bọn, chúng tôi đã đề cập đến một trong những yếu tố góp phần cho sự thắng lợi trọn vẹn bước đầu, đó là: bí mật. Bí mật đối với từng thành viên, từng lực lượng tham gia vây bắt, khám xét, ai biết việc nấy. Thậm chí giờ xuất trận, cũng như địa điểm “đánh” cũng chỉ được phổ biến với cấp chỉ huy trước lúc lên xe. Lực lượng bảo vệ cơ động (áo rằn ri) được bí mật điều từ miền Tây lên và họ hăm hở lên đường với mục tiêu ban đầu được truyền đạt: Mỗi người tự mang vũ khí, 14 kg gạo đủ ăn trong một tháng và cả áo lạnh, áo giáp chống đạn lên Tây Nguyên làm nhiệm vụ. Và họ đã di chuyển ban đêm, được ém quân ngay giữa trung tâm TPHCM (trụ sở Bộ Công an phía Nam) mà họ cứ ngỡ… thị xã Daklak vì lệnh giới nghiêm 24/24 trong doanh trại. Thêm vào đó mọi liên lạc với người thân, gia đình, bạn bè… đều phải tạm “ngoài vùng phủ sóng”.
Ngay cả khi vào khám xét nhà ở, các cơ sở kinh tài của Năm Cam và đồng bọn, ai ở vị trí nào ở chỗ đó, ai làm gì (tức lực lượng trong ban chuyên án) không biết. Đến quán bar karaoke Hoàng Hôn, khi tôi vừa định đưa máy lên chụp hình lực lượng bảo vệ phía ngoài, thì một chiến sĩ “rằn ri” đã bước lên một bước, nách cặp AK chĩa vào bụng tôi và ra hiệu bằng ánh mắt… không được. Tôi lùi lại và hạ máy ảnh, anh ta cũng lùi lại đứng nguyên chỗ cũ, mắt đảo qua, đảo lại liên tục để quan sát đám đông. Tìm hiểu thêm, chúng tôi được một thành viên trong ban chuyên án, cắt nghĩa: Lúc đó là lệnh, như một người lính ra trận, “quân lệnh như sơn” mà. Đối với nhà của các đối tượng có nhiều lầu, thì phân công rõ, ai gác cửa, ai gác chân cầu thang, ai ở ban công, ai ở sân thượng và ai canh giữ những thân nhân, tất cả đều như… một cỗ máy.
10 phút bắt Năm Cam.
– Để việc bắt Năm Cam, tên trùm ranh ma xảo quyệt này, gọn gàng, nhanh lẹ trong khoảng thời gian 10 phút, không phải dễ. Các trinh sát đã bám theo Năm Cam 24/24 giờ mỗi ngày từ nhiều tháng. Đặc biệt là sau khi Công an TPHCM triệt phá sòng bài của y ở quận 8, chiều 9-10-2001, nhưng Năm Cam vẫn chưa lộ mặt. Với quyết tâm của Ban Giám đốc Công an TPHCM phải “củng cố chứng cứ bắt bằng được Năm Cam”, báo hại các trinh sát đặc biệt phải thay phiên nhau đội mưa, đội nắng, suốt ngày đêm bám sát hắn để nắm toàn bộ quy luật đi lại, các điểm Năm Cam thường có mặt v.v…
Trở lại diễn biến “10 phút bắt Năm Cam”. Cũng như các ngày trước đó, sáng sớm Năm Cam đi tập thể dục ở Tao Đàn, khoảng 7 giờ Năm Cam đến uống cà phê trên đường Ngô Thời Nhiệm, sau đó chạy xe Spacy về nhà thuê của cô vợ bé ở 110 Tôn Thất Tùng, quận 1. Một tổ trinh sát thay nhau giám sát Năm Cam, đến khi y về đường Tôn Thất Tùng, thì họ rải ra ngồi ở quán cà phê cách đó vài chục mét, người thì vờ vào mua thuốc ở hiệu thuốc tây bên cạnh, người thì dựng xe bên đường ngồi… đợi bạn vào mua CD v.v… Chưa được lệnh của chỉ huy, các trinh sát phải kiên nhẫn chờ đợi. Bỗng các trinh sát thấy Năm Cam, quần soọc, áo thun xám, mở cửa bước ra ban công nói chuyện điện thoại di động. “Lộ rồi chăng? Hắn gọi đàn em đến giải vây?”. Các trinh sát không ai bảo ai, mắt căng ra quan sát và lại kiên nhẫn đợi lệnh.
Đúng 12 giờ, bất ngờ Năm Cam đẩy cửa bước ra, người giữ xe quay chiếc Spacy màu xám của y hướng về phía ngã ba Tôn Thất Tùng – Nguyễn Thị Minh Khai. Trước khi lên xe, Năm Cam lấy 50.000 đồng “bo” cho anh ta (có lẽ lòng hào hiệp này cũng là lần đầu tiên và cuối cùng mà Năm Cam dành cho người làm công ở đây). Một trinh sát trẻ, cao dong dỏng, quần jean, áo thun trắng, mang kiếng đen, đang ngồi vắt vẻo trên xe Honda dựng bên kia đường, bật dậy vừa phóng nhanh qua đường vừa kêu: “Anh Năm”.
Bị gọi giật giọng Năm Cam quay lại, theo phản xạ thói quen, Năm Cam chìa tay ra bắt. Anh trinh sát trẻ lịch sự bắt tay và nói vừa đủ cho những người xung quanh nghe như hai người quen nhau: “Anh Năm khỏe không?”. Chính cái bắt tay đó Năm Cam đã bị người trinh sát bấm đúng huyệt, toàn thân Năm Cam giựt nhẹ như bị điện giật, đồng thời trinh sát vòng tay qua eo Năm Cam kéo nhanh vào nhà rồi nói nhỏ bên tai Năm Cam: “Anh đã bị bắt”. Tất cả chỉ diễn ra chưa đầy 10 giây đồng hồ, không ai để ý, ngay cả người giữ xe, cũng cứ tưởng “có khách quen, Năm Cam trở vào nhà tiếp khách”. Cũng cùng lúc đó, bốn – năm trinh sát khác nhào tới, người cảnh giới ngoài cửa, người phụ đưa Năm Cam lên lầu. Năm Cam được các trinh sát cho ngồi xuống ghế xa-lông nệm da ở phòng khách trên lầu.
Hai tay bị còng về phía trước, một trinh sát khác lấy cuộn băng keo đen dán bịt hai mắt, sau đó lấy khăn màu trắng quấn thêm một lớp bên ngoài rồi lại quấn băng keo đen. Lúc này Năm Cam xin phép được vào nhà vệ sinh “vì tối qua uống nhiều bia quá… (?)”. Bịt mắt xong, Năm Cam được lệnh đứng lên để các trinh sát kiểm tra người, trong túi quần soọc chỉ có hai điện thoại di động và mấy chục ngàn đồng tiền lẻ. Tất cả đều được bỏ lại vào túi quần cho Năm Cam, rồi hai trinh sát xốc hai bên đưa xuống chiếc xe Mazda đời mới, màu trắng trờ tới, mở cửa… rước Năm Cam đi. Tất cả thời gian diễn ra nhanh chóng, đúng như dự kiến. Giải thích vì sao bắt Năm Cam phải bịt mắt, các trinh sát cười, nói: Đó là nghiệp vụ… và để ông ta không biết mình bị đưa đi đâu, giam ở đâu… đòn tâm lý mà!
Các trinh sát… bị theo dõi.- Khi khám nhà Châu Phát Lai Em, theo kế hoạch, các trinh sát tuần tự khám từ tầng trệt lên. Khi lên đến lầu 3 mới phát hiện toàn bộ công việc của anh em ở tầng trệt đã bị gia đình Châu Phát Lai Em cài máy camera tự động ghi không sót một động tác nào suốt hàng giờ khám xét. Dĩ nhiên cuộn băng này đã bị tịch thu. Theo Châu Phát Lai Em, y gắn camera này từ nhiều năm nay, để… bảo vệ và để tự động theo dõi 24/24 giờ mỗi ngày. Nghe đến đây chắc chắn nhiều người… lạnh xương sống, bởi nếu đã có lần ghé “thăm” Lai Em và lỡ tay nhận quà của Lai Em…

Theo: AnNinhThuDo

0 nhận xét:

Đăng nhận xét