Trong dự án Luật về máu và tế bào gốc vừa gửi tới Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ Y tế đề xuất quy định việc hiến máu là nghĩa vụ bắt buộc của công dân phải thực hiện 1 năm/lần nhưng có loại trừ một số trường hợp không thể hiến máu hoặc quy định việc hiến máu là tự nguyện kết hợp với tăng chi cho hoạt động vận động hiến máu.
Một hoạt động hiến máu tình nguyện diễn ra tại tỉnh Quảng Nam (Ảnh: Công Bính)
Báo cáo đánh giá tác động dự án Luật về máu và tế bào gốc phục vụ cuộc họp do Bộ Tư pháp tổ chức sắp tới, cho rằng máu và các chế phẩm từ máu là loại thuốc đặc biệt, chỉ được lấy từ người và đến nay mặc dù các nhà khoa học đã có nhiều công trình nghiên cứu để tìm các chất thay thế máu nhưng cho đến nay vẫn chưa có kết quả. Do vậy, máu người vẫn là nguồn nguyên liệu chính để cấp cứu và điều trị bệnh nhân trong giai đoạn trước mắt.
Theo tính toán lý thuyết của Tổ chức Y tế Thế giới (WHaO), ở các nước đang phát triển, dựa trên số dân của mỗi nước, cần khoảng 2% dân số hiến máu mỗi năm. Để giải quyết tình trạng thiếu máu và bảo đảm an toàn truyền máu, Chính phủ các nước đã đề xuất việc ban hành Luật Hiến máu (Blood Donation Law) hoặc các luật khác có liên quan đến vấn đề hiến máu tình nguyện không lấy tiền như: Luật truyền máu, Luật cấm buôn bán máu…. Sau khi Luật hiến máu được Quốc hội các nước ban hành, tình trạng khan hiếm máu cho cấp cứu và điều trị đã cơ bản được giải quyết.
Chính vì thế, trong dự án Luật về máu và tế bào gốc, Bộ Y tế đề xuất 2 giải pháp về nghĩa vụ của công dân liên quan đến hiến máu.
Giải pháp 1, quy định việc hiến máu là nghĩa vụ bắt buộc của công dân phải thực hiện 1 năm/lần nhưng có loại trừ một số trường hợp không thể hiến máu;
Giải pháp 2, quy định việc hiến máu là tự nguyện kết hợp với tăng chi cho hoạt động vận động hiến máu.
Theo Bộ Y tế, việc hiến máu được thực hiện trên cơ sở cân nặng của người hiến máu: Người có cân nặng từ 42 kg đến dưới 45 kg được phép hiến không quá 250 ml máu toàn phần mỗi lần; người có cân nặng 45 kg trở lên được phép hiến máu toàn phần không quá 09 ml/kg cân nặng và không quá 500 ml mỗi lần.
Bộ Y tế khẳng định cả hai giải pháp đều không có tác động đến tăng chi cho Nhà nước mà chỉ tăng chi cho Quỹ bảo hiểm y tế với mức tăng chi bình quân khoảng 500 tỷ/năm.
Với dân số khoảng khoảng 90 triệu người, nếu áp dụng chính sách thứ nhất thì một năm sẽ có khoảng 46 triệu người phải tham gia hiến máu (trừ 30,3 triệu công dân dưới 18 tuổi và khoảng 14,2 triệu người mắc các bệnh không thể hiến máu).
Việc quy định hiến máu là nghĩa vụ của công dân có mặt tích cực là giúp cho có nguồn máu đầy đủ và ổn định. Nếu thực hiện chính sách này thì hằng năm sẽ tiêu tốn khoảng 4.180 tỷ đồng, trong đó: Quỹ bảo hiểm y tế sẽ phải tăng chi khoảng 400 tỷ/năm, chủ sử dụng lao động sẽ phải bỏ ra khoảng 3.200 tỷ để chi trả tiền lương cho khoảng thời gian mà người lao động sự dụng để đi hiến máu và bản thân người lao động sẽ phải bỏ ra tên 580 tỷ cho việc đi lại phục vụ cho việc hiến máu.
Còn nếu coi việc hiến máu là tự nguyện và trong điều kiện lý tưởng là có 18,2 triệu người hiến máu tình nguyện trong một năm thì hằng năm sẽ tiêu tốn khoảng 2.000 tỷ, trong đó: Quỹ bảo hiểm y tế sẽ phải tăng chi thêm khoảng 524 tỷ/năm, chủ sử dụng lao động sẽ phải bỏ ra khoảng 1.250 tỷ để chi trả tiền lương cho khoảng thời gian mà người lao động sử dụng để đi hiến máu và bản thân người lao động sẽ phải bỏ ra trên 217 tỷ cho việc đi lại phục vụ cho việc hiến máu.
Theo nghiên cứu của cơ quan đề xuất dự án luật, toàn bộ các quốc gia có ban hành Luật về máu thì không có quốc gia nào quy định việc hiến máu là nghĩa vụ bắt buộc của công dân, kể cả Trung Quốc.
Theo: Giadinhhiendai
0 nhận xét:
Đăng nhận xét