Ông Đinh La Thăng cho rằng việc chỉ định PVC làm tổng thầu Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 đã được Chính phủ đồng ý.
Sáng 9/5, tòa phúc thẩm xét hỏi ông Đinh La Thăng (cựu chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí – PVN) - bị cáo cuối cùng trong số những người kháng cáo ở vụ án Cố ý làm trái, Tham ô tài sản xảy ra tại PVN và Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC). Cấp sơ thẩm quy kết ông Thăng chỉ đạo chỉ định tổng thầu cho PVC sai quy định, tạm ứng tiền cho PVC khi chưa đủ điều kiện gây thiệt hại 119 tỷ đồng.
Ông bị TAND Hà Nội tuyên phạt 13 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (điều 165 Bộ luật Hình sự 1999), bồi thường thiệt hại 30 tỷ đồng.
Ông Thăng khẳng định không làm sai quy trình
Trả lời thẩm vấn sáng nay, xưng "tôi", ông Thăng cầm văn bản trình bày lý do kháng cáo cho rằng không phạm tội như cấp sơ thẩm quy buộc. "Cấp sơ thẩm không xem dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 trong tổng thể hoàn cảnh kinh tế chính trị lúc đó. Thủ tướng đã đồng ý cho chỉ định thầu từ năm 2006. Tháng 2/2009, Thủ tướng tiếp tục cho PVN chỉ định các đơn vị thành viên làm tổng thầu các dự án. Dự án này là trọng điểm quốc gia, được hưởng cơ chế đặc thù 1195", ông Thăng khai và cho hay dự án được một phó thủ tướng thường xuyên chỉ đạo trực tiếp.
Ông Thăng tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: TTXVN |
Theo ông Thăng, việc lựa chọn PVC là tổng thầu là "không sai quy định", thực hiện đúng ý kiến phó thủ tướng. Công văn 978 của phó thủ tướng nói PVN phải chịu trách nhiệm về việc lựa chọn tổng thầu đủ điều kiện. Và ông chỉ đôn đốc tiến độ thực hiện còn việc chỉ định thầu, thực hiện mọi ký kết sau đó thuộc chủ đầu tư.
Dự án đã được Hội đồng thành viên PVN giao cho chủ đầu tư là PVPower, tổng giám đốc PVPower làm việc với ba phó tổng giám đốc PVN phụ trách theo lĩnh vực phân công. PVPower là pháp nhân độc lập chịu trách nhiệm độc lập trước pháp luật cũng như PVN.
Ông Thăng 'ca ngợi' năng lực của PVC
Giải thích vì sao chọn PVC, theo ông Thăng báo cáo tài chính 3 năm gần nhất cho thấy PVC đều đạt chỉ tiêu tài chính để làm tổng thầu. Năm 2009-2011, doanh nghiệp đều lãi hàng nghìn tỷ đồng.
Ngắt lời bị cáo, chủ tọa hỏi: "Tại thời điểm 2011, bị cáo có nắm được tài chính PVC?". Ông Thăng nói không nhận báo cáo, hết năm 2011 PVC vẫn có lãi.
"Nhưng mấy ngày qua lời khai của các bị cáo khác lại cho thấy tình hình tài chính PVC năm đó rất khó khăn, phải trả nhiều lãi ngân hàng, đầu tư vào nhiều công ty con…, bị cáo nghĩ gì về điều này"?, chủ tọa hỏi. Ông Thăng nói "chỉ căn cứ vào báo cáo tài chính lúc đó".
"PVC đã thực hiện dự án nào lớn thế này chưa?", thẩm phán hỏi. Ông Thăng đáp: "Còn thực hiện dự án to hơn. Tại dự án lọc dầu Dung Quất, Cà Mau còn làm cả thầu phụ lẫn tổng thầu cùng Lilama".
Cho rằng tại các dự án trên, PVC chưa phải là tổng thầu, chủ tọa hỏi thẩm vấn: "Chính phủ có ý kiến về liên danh tổng thầu, vậy sao lại giao PVC làm tổng thầu?". Trả lời, ông Thăng nói PVN được giao quyền chỉ định thầu. Do đàm phán với nhà thầu nước ngoài không thành nên mới để nhà thầu trong nước làm.
Giải thích về việc bị cáo buộc ép ký hợp đồng chuyển đổi chủ đầu tư từ PVPower sang PVC, ông Thăng nói do PVPower báo cáo đủ điều kiện ký hợp đồng đầu tư, khởi công chứ ông "không vì lý do sức ép tiến độ mà làm sai".
"Thủ tướng yêu cầu dự án thực hiện từ quý II/2009 nên mới phải ép tiến độ, kể cả không làm cũng không sao nhưng đã làm phải đúng quy định", ông nói.
Ông Đinh La Thăng liên quan thế nào trong vụ án tại PVC. Đồ họa: Tiến Thành |
"Ký hợp đồng không đủ căn cứ pháp lý, tạm ứng tiền sai, sử dụng tiền tạm ứng sai mục đích. Bị cáo có thấy những việc này là do mình chỉ đạo sai không?", chủ tọa hỏi.
Ông Thăng đáp: "Tôi luôn chỉ đạo phải làm đúng. Lãnh đạo tập đoàn không ai chỉ đạo hai công ty ký hợp đồng khi chưa đủ điều kiện. Hai đơn vị PVPower, PVC tự bịa ra các điều khoản, điều kiện".
"Nhưng cuối cùng dự án vẫn bị chậm tiến độ, bị cáo có thấy được trách nhiệm của mình không?" chủ tọa hỏi. Ông Thăng vẫn khẳng định "đã làm đúng".
Tranh luận về khoản tạm ứng 1.000 tỷ đồng cho PVC
Cựu chủ tịch PVN nhận trách nhiệm người đứng đầu trong việc tạm ứng song cho rằng trách nhiệm chính phải là người trực tiếp ứng tiền sai.
Chủ tọa cho biết, theo hợp đồng, việc tạm ứng tiền cho PVC chỉ là 6% nhưng ông Thăng đã chỉ đạo nâng thành 10%, trong khi các hạng mục đều chưa thực hiện, chưa đủ điều kiện thực hiện mà vẫn đôn đốc, thúc ép chi tiền.
Đáp lời ngay lập tức, hai tay chống xuống bục khai báo, ông Thăng nói giọng hơi gay gắt: "Tôi không có đôn đốc ép gì ai trong việc tạm ứng cả. Việc tạm ứng 10% cho PVC là đúng quy định".
Trước câu hỏi đã "chỉ đạo thế nào với phó tổng giám đốc phụ trách tài chính của PVN Nguyễn Xuân Sơn về việc tạm ứng cho PVC", ông Thăng khai chỉ đạo đúng quy định, yêu cầu đảm bảo tài chính dự án để thực hiện hiệu quả, đúng tiến độ.
Chủ tọa nhắc lại lời khai hôm qua của ông Chương rằng bị ông Thăng gọi vào phòng và tại đây thấy ông Thăng yêu cầu ông Sơn phải chuyển ngay tiền cho PVC.
Ông Thăng phủ nhận lời khai của ông Chương, tiếp tục khẳng định "không chỉ đạo bất kỳ ai vì tiến độ mà làm trái quy định của pháp luật.
Sau khi thông báo chiều nay sẽ triệu tập ông Hồ Công Kỳ (cựu chánh văn phòng PVN) tới phiên xử, tòa thông báo dừng phiên làm việc buổi sáng. 14h, tòa phúc thẩm tiếp tục phần xét hỏi.
Theo: Vnexpress
0 nhận xét:
Đăng nhận xét